CÁC LOẠI SẸO PHỔ BIẾN, PHƯƠNG PHÁP TRỊ SẸO HIỆU QUẢ
Sẹo là cơ chế bù đắp phần bị bù khuyết một cách tự nhiên của cơ thể, được chia thành các loại sẹo là sẹo lành tính và sẹo bất thường. Các loại sẹo bất thường như sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo rỗ là những loại sẹo thường gặp và gây mất thẩm mỹ với người bệnh. Cùng đi tìm hiểu về cơ chế hình thành các loại sẹo thường gặp cũng như phân loại các loại sẹo rỗ để tìm ra phương pháp trị sẹo hiệu quả nhất.
Sẹo là phần mô sợi được hình thành để bù đắp cho vết thương rách da và là quá trình hồi phục tự nhiên của cơ thể. Sẹo được chia thành nhiều loại khác nhau nhưng trong đó có loại sẹo bất thường, được hình thành do quá trình tổng hợp collagen tại vết thương bị tăng sinh dẫn đến việc tạo thành các loại sẹo. Một hình thức thường gặp của sẹo lõm là sẹo rỗ, phổ biến nhất là trên mặt khiến nhiều người tự ti bởi sẹo rỗ gây ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ nhìn chung. Cùng Beauty Realm đi tìm hiểu có những các loại sẹo bất thường phổ biến nào, sẹo rỗ là gì và cách chăm sóc da để điều trị sẹo ra sao trong bài viết dưới đây.
SẸO LÀ GÌ
Sẹo là cơ chế hình thành mô sợi của cơ thể để bồi đắp phần bị bù khuyết và thường là vết rách sau phẫu thuật hoặc chấn thương. Sẹo là quá trình sửa chữa tự nhiên của cơ thể đối với bất kỳ một bộ phận nào của cơ thể khi bị tổn thương.
Vì vậy việc hình thành các loại sẹo là phản ứng không thể tránh khỏi và trái ngược lại với suy nghĩ của nhiều người rằng hình thành sẹo là phản ứng xấu thì sẹo chính là cơ chế lành vết thương bắt buộc phải có của cơ thể. Việc hình thành mô sẹo to hay nhỏ phụ thuộc vào phản ứng của cơ thể mỗi người cũng như cách chăm sóc sau chấn thương. Với những người có cơ địa độc sẽ dễ hình thành kích thích tăng sinh tại miệng vết thương dễ gây ra các loại sẹo lồi.
Sẹo được chia làm hai loại là sẹo bình thường và sẹo bất thường. Phần mô sẹo được coi là bình thường khi vùng hình thành sẹo có bề mặt bằng phẳng và độ cao ngang với vùng da không bị tổn thương xung quanh. Loại sẹo lành tính này khi bắt đầu quá trình lành vết thương có màu trắng hồng và hơi bóng, phần mô sẹo mềm mại không sần sùi và chờm sang các vùng da xung quanh.
Đối với các loại sẹo có hình dạng và cấu trúc khác với mô tả trên đều là sẹo bất thường. Có thể thấy rõ sự khác biệt giữa hai loại sẹo này đặc biệt khi sẹo bất thường có bề mặt gồ ghề, lồi lõm thấy rõ so với da xung quanh gây ảnh hưởng thẩm mỹ và thậm chí là cả chức năng của vùng vết thương có hình thành sẹo.
Sẹo có đặc tính là giữ nguyên thể trạng ban đầu, không dài ra hay to lên khi cơ thể trưởng thành (đối với trẻ em chưa trưởng thành hoàn toàn về cơ thể). Ngoài ra, sẹo hình thành sẽ tồn tại vĩnh viễn trên cơ thể và chưa có biện pháp để tiêu biến mô sẹo bất thường hoàn toàn. Hiện nay các phương pháp điều trị các loại sẹo thường với mục đích là biến mô sẹo xấu trở nên đẹp và thẩm mỹ hơn.
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CÁC LOẠI SẸO
Quá trình hình thành sẹo là quá trình hồi phục vết thương da. Quá trình lành vết thương này sẽ tổng hợp mô sợi để hình thành sẹo và được chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn sưng viêm
Giai đoạn sưng viêm là giai đoạn đầu của quá trình liền vết thương. Ở giai đoạn này vết thương sẽ ở trong tình trạng sưng tấy đỏ ửng và gây đau rát nhưng đồng thời cơ thể cũng tiết ra kháng thể để bảo vệ miệng vết thương khỏi nhiễm trùng và bắt đầu xuất hiện lớp vảy. Lớp vảy này được sinh ra như một tấm khiên bảo vệ phần mô nhạy cảm mới hình thành bên dưới, vì vậy mà bạn không nên có thói quen cạy, bóc vảy vì có thể làm tổn thương lớp da nặng nề hơn.
Giai đoạn tăng sinh
Giai đoạn tăng sinh là giai đoạn sản sinh collagen mạnh mẽ nhất tại vùng miệng vết thương. Lúc này các tế bào tạo lớp trung bì của da phát triển và tăng sinh mạnh nhằm tái tạo lại lớp da bị chấn thương. Giai đoạn tăng sinh collagen được hình thành trong 2 tuần và tổng quá trình tăng sinh diễn ra từ 3-4 tuần giúp tái tạo miệng vết thương. Ở giai đoạn này cần chú ý vệ sinh miệng vết thương sạch sẽ để vết thương tránh bị viêm nhiễm và hạn chế hình thành các loại sẹo, tuy nhiên cũng tùy thuộc vào phản ứng cơ thể mỗi người và chế độ ăn kiêng hợp lý.
Quá trình tổng hợp collagen là giai đoạn chính của cơ thể để quyết định hình thành loại sẹo lành tính hay bất thường. Nếu như tại vùng vết thương cơ thể không sản xuất đủ collagen sẽ dẫn đến tình trạng sẹo lõm, sẹo rỗ và ngược lại nếu như quá nhiều collagen tăng sinh sẽ khiến mô sẹo phình đại trở thành sẹo lồi.
Cơ chế tăng sinh collagen của da là để kéo miệng vết thương. Hầu hết các loại sẹo được hình thành vào tại giai đoạn này sẽ quyết định bởi quá trình tổng hợp collagen.
Giai đoạn tái tạo
Bề mặt vết thương đã lành hoàn toàn tại giai đoạn tái tạo của quá trình lành vết thương. Tuy nhiên bên dưới miệng vết thương này vẫn xảy ra quá trình tích tụ mô xơ gây các loại sẹo. Quá trình tích tụ diễn ra liên tục và trong 2-3 tháng đầu là lúc mạnh mẽ nhất quyết định đến kích thước và tình trạng nặng nhẹ của sẹo.
CÁC LOẠI SẸO THƯỜNG GẶP
Sẹo lồi (keloid)
Sẹo lồi là một trong các loại sẹo bất thường của da, được hình thành do quá trình tăng trưởng sản xuất collagen quá mức ở làn da để kéo kín miệng vết thương và đặc biệt phổ biến với da có mức độ melamine cao. Sẹo lồi có mức ảnh hưởng thẩm mỹ ở mức độ cao do bề mặt sẹo nổi lên hẳn so với các vùng da xung quanh, ngoài ra còn có các biểu hiện như ngứa ngáy, mẩn đỏ kể cả khi miệng vết thương đã liền, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh. Nguyên nhân gây ra sẹo lồi được nghiên cứu là do sự tổng hợp collagen quá đà tại lớp trung bì của da. Sự tổng hợp quá đà này là mất cân bằng trong quá trình tổng hợp – phân hủy collagen, diễn ra ở giai đoạn thứ 3 của quá trình liền sẹo và thường tác nhân chính tạo ra sẹo lồi là cơ địa của mỗi người.
Sẹo lồi không gây nguy hiểm đến sức khỏe trực tiếp bởi không có mình chứng cho việc xuất hiện ung thư từ mô sẹo lồi. Tuy nhiên sẹo lồi vẫn có khả năng phát triển kích thước kể cả khi vết thương đã liền miệng. Loại sẹo bất thường này phát triển liên tục và có nguy cơ phì đại theo thời gian, kèm theo các triệu chứng như đau nhức, mẩn ngứa, cảm giác co kéo vùng da nơi phát triển sẹo.
Sẹo lồi khác các loại sẹo khác là do có đặc điểm phát triển liên tục, xâm lấn lan sang vùng trung bì của lớp da lành xung quanh, chờm xung quanh vết thương ban đầu. Sẹo lồi có thể hình thành từ một vết thương rất nhỏ như vết kim tiêm, mụn trứng cá hoặc vết cắn của côn trùng cũng có thể hình thành một mô sẹo lồi lớn và nổi rõ. Mô sẹo lồi có thể ngừng phát triển nhưng không có biểu hiện tiêu biến đi theo thời gian.
Việc hình thành các loại sẹo lồi phụ thuộc vào 3 yếu tố chính mà dễ có khả năng tạo sẹo đó là:
- Chấn thương trên vùng da dễ có nguy cơ tạo sẹo lồi. Một số vùng da đặc biệt sau khi bị tổn thương dễ tạo sẹo lồi như vùng da xương ức, da cơ delta, vùng da lưng trên và vùng mu…. Khi bị chấn thương hoặc thực hiện phẫu thuật tác động tới vùng da này, cơ thể dễ bị hình thành sẹo lồi hơn những vùng da tại lòng bàn tay, bàn chân hầu như không thấy tạo mô sẹo lồi sau thương tổn.
- Tuổi tác cũng là một nhân tố ảnh hưởng tới việc hình thành sẹo lồi, trong đó vào giai đoạn 10-30 tuổi (giai đoạn phát triển mạnh của cơ thể) sẽ có nguy cơ tạo sẹo mới thường xuyên nhất.
- Nữ giới có tỷ lệ mắc sẹo lồi cao hơn so với nam giới do tác động của hormone thai kỳ. Chị em phụ nữ cũng có tỷ lệ sử dụng dao kéo nhiều hơn so với nam giới, vì vậy mà nhiều người bị sẹo lồi sau khi phẫu thuật thẩm mỹ không phải là hiếm
- Ngoài ra, phản ứng cơ thể của mỗi người và di truyền trong gia đình cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển sẹo lồi.
Sẹo lồi có tính nổi bật cao, gây chú ý vì vậy mà các loại sẹo này thường gây ra sự tự ti và mặc cảm cho người bệnh. Tuy nhiên cần lưu ý là phẫu thuật sửa sẹo đơn thuần thường làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Cách duy nhất để điều trị sẹo lồi là biến mô sẹo thành bình thường và duy trì tình trạng bình thường đó.
Sẹo lõm (atrophic scar)
Sẹo lõm là biểu hiện ngược lại so với sẹo lồi và sẹo phì đại bởi có hình thể dưới dạng các hố, rãnh sâu, lún thấp hẳn so với bề mặt da không bị tổn thương xung quanh, thường là do sự thiếu hụt collagen tổng hợp vùng trung bì của da cũng như thiếu sót trong tổ chức của các sợi, cơ và mỡ trong quá trình liền vết thương. Các loại sẹo lõm thường được hình thành sau các bệnh như trứng cá, do vi khuẩn tụ cầu vàng, bệnh đậu mùa và viêm da do steroid…
Khác với sẹo lồi, các loại sẹo lõm không gây đau đớn hay ngứa ngáy tuy nhiên cũng có ảnh hưởng không nhỏ về mặt thẩm mỹ bởi sẹo lõm thường thấy trên mặt của người bệnh. Các hốc, lõm trên bề mặt da có thể chứa đựng vi khuẩn, bã nhờn… khiến cho tình trạng viêm lan rộng và tạo các ổ sẹo lõm mới. Một số biện pháp thẩm mỹ gây tổn thương cho vùng sẹo được ứng dụng để kích thích da sản sinh collagen, tạo điều kiện cho da hồi phục và cho kết quả khả quan
Sẹo lõm còn có một hình thức sẹo mà nhiều người gặp phải đó là sẹo rỗ. Sẹo rỗ thường gặp xung quanh các vùng trán, mũi và má với nguyên nhân chủ yếu là do trứng cá, hình thành do tầng hạ bì của da bị tổn thương nặng và không có khả năng phục hồi. Tùy vào mức độ tổn thương trên bề mặt da mà hình thành sẹo rỗ nặng hay nhẹ.
Sẹo phì đại (hypertrophic scar)
Khác với sẹo lồi hình thành do trạng thái mất cân bằng trong quá trình tổng hợp – phân hủy collagen diễn ra ở giai đoạn thứ 3 của quá trình liền sẹo, sẹo phì đại hình thành do tình trạng mất cân bằng tạm thời trong quá trình tổng hợp collagen diễn ra ở giai đoạn thứ 2 và có thể được sửa chữa ở giai đoạn thứ 3. Vì vậy khi kết thúc quá trình liền vết thương, sẹo phì đại có trạng thái thoái lui trở thành một vết sẹo bình thường.
Bởi có những đặc điểm hình thái khá tương đồng như việc nổi rõ lên trên bề mặt da và sưng tấy ửng đỏ, sẹo phì đại là sẹo lồi thường bị nhầm lẫn với nhau. Tuy nhiên sẹo phì đại có một số đặc điểm khác so với sẹo lồi như:
- Sẹo phì đại chỉ phát triển trong một thời gian nhất định và không chườm ra ngoài miệng vết thương ban đầu
- Có xu hướng ngừng phát triển và tự thoái lui sau khoảng thời gian 12 – 18 tháng
- Ngoài ra, đặc điểm về tuổi tác, giới tính và di truyền không là tác nhân dẫn đến sự hình thành của sẹo phì đại.
- Có thể tác động thẩm mỹ cho kết quả khả quan hơn so với các loại sẹo lồi.
Sẹo co rút
Sẹo co rút là di chứng của các vết thương do bỏng hoặc tai nạn, gây ảnh hưởng trực tiếp ở mức độ cao đối với chức năng của da, là một trong các loại sẹo bất thường. Sẹo co rút làm kéo rút da, làm giảm khả năng vận động, ngoài ra cũng có thể ăn sâu bên dưới các lớp biểu bì ảnh hưởng đến các cơ và dây thần kinh.
Sẹo giãn (stretch marks)
Sẹo giãn hay phổ biến nhất là vết rạn da có thể xuất hiện trên vùng da lành lặn mà không có tổn thưởng trên đó. Sẹo giãn được hình thành do hậu quả của việc căng giãn da đột ngột trong thời gian ngắn như mang thai, tăng giảm cân đột ngột ngột hoặc tăng hormone corticosteroid quá mức. Khác với những gì mà dịch vụ spa – thẩm mỹ hay quảng cáo, sẹo giãn không thể làm mất đi hoàn toàn bởi cơ chế của các loại sẹo là tồn tại vĩnh viễn và chỉ có thể làm giảm đi, mờ đi nhờ các biện pháp thẩm mỹ. Các vết rạn da có thể tiêu biến khi can thiệp bằng laser. Sẹo giãn còn có thể là hình thức bình thường của da sau khi can thiệp tác động đến sẹo lồi và sẹo phì đại. Việc cải thiện thẩm mỹ của sẹo giãn đơn giản hơn so với các sẹo bất thường khác, có khả năng cải thiện tốt bằng các phẫu thuật tạo hình.
PHÂN LOẠI CÁC LOẠI SẸO RỖ THƯỜNG GẶP
Nguyên nhân hình thành sẹo rỗ
Về bản chất sẹo rỗ chính là sẹo lõm được hình thành do quá trình tăng sinh collagen tại vùng da tổn thương gặp trục trặc. Sẹo rỗ thường gặp xung quanh các vùng trán, mũi và má với nguyên nhân chủ yếu là do trứng cá, hình thành do tầng hạ bì của da bị tổn thương khá nặng và hầu như không có khả năng phục hồi. Tùy vào mức độ tổn thương trên bề mặt da mà hình thành các loại sẹo rỗ nặng hay nhẹ.
Các loại sẹo rỗ
Sẹo rỗ chân đá nhọn (Ice Pick scar)
Sẹo rỗ chân đá nhọn hình thành do cấu trúc collagen của lớp trung bì bị phá vỡ và có đường kính dưới 2mm và trông giống như có vật nhọn đâm mạnh lên da.
Sẹo rỗ chân vuông (Boxcar Scar)
Cùng cơ chế hình thành do tổn thương dẫn đến việc phá hủy các liên kết collagen, sẹo rỗ chân vuông có nguyên nhân chủ yếu do mụn trứng cá bị vỡ do thói quen nặn mụn, có dạng đầu tròn hình bầu dục, miệng vết lõm rộng và nông hơn so với sẹo Ice Pick.
Sẹo rỗ hình lượn sóng (Rolling Scar)
Khi phần cơ dưới mô da bị tăng sinh phát triển sẽ tạo điều kiện cho sẹo lượn sóng được tạo thành. Những dải xơ cứng nằm bên trong cơ này kéo lớp biểu bì xuống và bị ép sâu vào trong da. Các loại sẹo rỗ hình sóng có chiều rộng từ 4-5 mm và sần sùi trên bề mặt da.
Các loại mức độ sẹo rỗ
Sẹo rỗ mức độ nhẹ
Các vết sẹo rỗ ở mức độ nhẹ có biểu hiện không rõ ràng, dễ bị mờ đi hoặc che lấp nhờ việc sử dụng sản phẩm trang điểm. Sẹo rỗ mức độ nhẹ và mới hình thành dễ dàng điều trị hơn so với các loại sẹo lâu năm. Phương pháp điều trị thường thấy là lăn kim hoặc laser CO2 để điều trị các loại sẹo rỗ mức độ nhẹ.
Sẹo rỗ mức độ trung bình
Các loại sẹo rỗ ở mức độ trung bình có biểu hiện rõ ràng, vết hõm của sẹo không che được hết bằng các phương pháp trang điểm. Ngoài ra sẹo rỗ mức trung bình còn có tần suất xuất hiện dày đặc ở hai bên má. Sẹo trung bình cần phải kết hợp nhiều phương pháp và điều trị trong thời gian dài để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Sẹo rỗ mức độ nặng
Các loại sẹo rỗ ở mức độ nặng thể hiện rõ bằng các vết sẹo sâu rõ rệt, gây rỗ nặng và tần suất xuất hiện dày đặc trên khắp khuôn mặt. Sẹo mức độ nặng xuất hiệu khiến da trông xù xì và chai sần hơn. Để điều trị hiệu quả tình trạng sẹo rỗ mức độ nặng cần kết hợp cả 3 phương pháp: Bóc tách + Laser CO2 + Tăng trưởng collagen phục hồi da bị hư tổn.
Quá trình hình thành sẹo gồm 3 bước và sẹo bất thường được hình thành khi gặp vấn đề về tổng hợp collagen tại quá trình này. Các loại sẹo bất thường như sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo rỗ là những loại sẹo thường thấy nhất và cũng khiến cho nhiều người phải đau đầu bởi sự mất thẩm mỹ của chúng. Để quá trình liền vết thương hình thành các loại sẹo diễn ra thuận lợi, cần vệ sinh đúng cách cũng như có chế độ ăn uống phù hợp tránh kích thích mô sẹo phát triển hoặc ức chế quá đà nhằm tránh việc tạo các loại sẹo bất thường.