TỔNG HỢP CÁC LOẠI THUỐC TRỊ MỤN Y KHOA
THUỐC TRỊ MỤN LÀ GÌ?
Thuốc trị mụn là sản phẩm trị mụn dạng dược phẩm có chứa các thành phần giúp ngăn ngừa hoặc loại bỏ các nguyên nhân gây mụn như bít tắc lỗ chân lông hay vi khuẩn gây mụn P.Acnes.
Trị mụn bằng thuốc trị mụn là một trong các cách trị mụn hiệu quả nhằm giúp cải thiện tình trạng mụn ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp trị mụn này thường không được áp dụng rộng rãi mà chủ yếu áp dụng cho những trường hợp mụn trứng cá sưng viêm với tình trạng khá tồi tệ hoặc mụn nội tiết.
Nguyên nhân là việc sử dụng thuốc để trị mụn thường có những phản ứng phụ không mong muốn và để kiểm soát được điều này cũng như đảm bảo dùng đúng loại thuốc, đúng liều lượng để đạt hiệu quả tốt nhất thì cần có chỉ định y khoa của bác sỹ da liễu cho từng trường hợp. Cũng có những thuốc trị mụn không cần kê toa, nhưng đối với người bình thường thì khó có thể phân biệt.
Các loại thuốc trị mụn khá đa dạng về thành phần thuốc (Retinoid, Benzoyl Peroxide, Salicylic Acid, Azelaic acid, Isotretinoin, các loại kháng sinh thuộc các nhóm Tetracycline, Macrolid, Lincomycin…thuốc điều chỉnh hormon) và chủng loại: thuốc uống, thuốc bôi, thuốc rửa,… ở dạng viên nén, viên con nhộng, dạng nước, gel hoặc dạng kem.
Việc sử dụng thuốc trị mụn loại nào, liều lượng ra sao phải tuân theo 2 nguyên tắc cơ bản: điều trị theo cơ chế gây ra mụn (nguyên nhân gây mụn) và điều trị theo đặc điểm bệnh lí cụ thể của từng bệnh nhân (tình trạng mụn, cơ địa da, lịch sử điều trị…). Chúng ta sẽ tiếp cận theo cách phân loại như sau:
– Thuốc trị mụn dạng bôi thoa ngoài da: Thuốc loại này chủ yếu chứa một trong các thành phần Retinoid, Benzoyl Peroxide, Salicylic Acid, Azelaic acid…
– Thuốc trị mụn dạng uống: Thuốc loại này chủ yếu là thuốc kháng sinh thuộc một trong các nhóm Tetracycline, Macrolid, Lincomycin
Thuốc trị mụn dạng bôi hay dạng uống đều thường có các tác dụng sau:
- Làm giảm việc tiết dầu quá mức của da giúp kiểm soát vấn đề viêm da do tăng bã nhờn.
- Thúc đẩy nhanh việc bong tróc da và kiểm soát quá trình tạo lớp sừng trên da.
- Ngăn ngừa và diệt các vi khuẩn gây mụn xâm nhập vào lỗ chân lông.
- Kháng viêm và nhiễm trùng cho mụn đang sưng viêm có mủ.
- Giúp mụn chín nhanh, sớm lên nhân và khô cồi.
Trong đó thuốc trị mụn dạng uống chủ yếu tập trung dành cho mụn sưng viêm như mụn mủ, mụn bọc, mụn nang… Còn thuốc trị mụn dạng bôi thường được sử dụng kết hợp với dạng uống để điều trị mụn sưng viêm, nhưng cũng có thể sử dụng độc lập điều trị các loại mụn nhẹ không viêm như mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn ẩn, mụn cám…
– Thuốc trị mụn nội tiết bằng các loại thuốc tránh thai giúp cân bằng nội tiết. Mụn nội tiết là loại mụn đặc thù được hình thành do cơ thể mất cân bằng nội tiết dẫn đến việc da tiết bã nhờn quá mức gây nên mụn.
Lưu ý nếu mụn nội tiết đến mức sưng viêm thì vẫn có thể phải sử dụng kết hợp thêm hai loại thuốc kể trên.
THUỐC BÔI TRỊ MỤN
Thuốc có thành phần Retinoids
Retinoids là các hợp chất hóa học có dạng vitamin A, có tác dụng điều tiết sự tăng trưởng tế bào biểu mô. Retinoids được sử dụng trong y học để điều trị nhiều bệnh khác nhau và có hiệu quả trong việc điều trị của một số tình trạng da liễu như các rối loạn viêm da, ung thư da, các rối loạn của tăng số lượng tế bào (ví dụ như bệnh vẩy nến), hiện tượng quang hóa, và nếp nhăn da. Tình trạng da phổ biến được điều trị bởi retinoids bao gồm mụn trứng cá và bệnh vẩy nến.
Các sản phẩm chứa Retinoid tác dụng vô cùng mạnh và hiệu quả trong việc tiêu cồi mụn, ức chế quá trình viêm nhiễm mụn do vi khuẩn P. Acnes gây ra và giúp hạn chế lỗ chân lông bị bít tắc. Ngoài ra Retinoid còn giúp kích thích tăng cường sản sinh collagen và elastin, đẩy nhanh quá trình tái tạo và phục hồi cấu trúc da, nhờ đó làm lành các tổn thương mụn, giảm thâm, ngăn ngừa sẹo hiệu quả.
Có 3 thế hệ Retinoids với nhiều dẫn xuất khác nhau nhưng những dẫn xuất được dùng trong điều trị mụn trứng cá thường bao gồm mấy loại chính như sau:
Thuốc trị mụn Tretinoin
Tretinoin là dẫn xuất Retinoid thế hệ thứ nhất. đã được chuyển hóa thành acid, còn được gọi bằng cái tên retinoic acid và không liên quan đến tác dụng sinh lý của vitamin A. Tretinoin có tác dụng kìm hãm quá trình tạo keratin, đẩy nhanh việc hình thành tế bào mới, kích thích phân bào và giảm sự bít tắc ở các nang lông. Nhờ khả năng kích thích phá hủy và thải loại tế bào bị sừng hóa mắc kẹt gây tắc ở lỗ chân lông, thuốc bôi chứa Tretinoin có loại bỏ bã nhờn và cặn bã tích tụ, ngăn ngừa vi khuẩn gây mụn P. acnes.
Thuốc trị mụn Tazarotene
Tazarotene là một dẫn xuất retinoid thế hệ thứ ba (thuộc lớp retinoid acetylenic). Sản phẩm chứa Tazarotene có thể ở dạng kem, gel hoặc bọt. Đây là thuốc kê toa và dùng để điều trị bệnh vảy nến thể mảng ở giai đoạn ổn định, mụn trứng cá mức độ nhẹ và vừa, hoặc da bị tổn thương do nắng. Thuốc bôi Tazarotene được chỉ định đối với những trường hợp không thể sử dụng Tretinoin. Thuốc trị mụn Tazarotene thường có nồng độ Tazarotene từ 0,05% đến 0,1%. Thuốc trị mụn loại này trên thị trường có một số cái tên như Tazorac, Avage, Zorac và Fabior.
Thuốc trị mụn Adapalene
Adapalene là một retinoid thế hệ thứ ba chủ yếu được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá mức độ nhẹ và vừa. Thuốc trị mụn adapalene có thể sử dụng độc lập hoặc kết hợp với benzoyl peroxide hoặc kháng sinh dạng bôi để tăng hiệu quả trị mụn. Trên thực nghiệm lâm sàng, Adapalene cho hiệu quả kém nhất trong các dạng dẫn xuất của vitamin A ở dạng bôi. Do vậy, thuốc thường chỉ được sử dụng trong trường hợp mụn nhẹ hoặc người bị mụn trứng cá có làn da nhạy cảm.
Thuốc trị mụn Benzoyl Peroxide
Benzoyl Peroxide là loại hoạt chất mà khi thoa lên nốt mụn sẽ nhanh chóng thẩm thẩu vào bên trong nhân mụn và phân tách tạo nên oxy. Vi khuẩn P. acnes chỉ phát triển trong môi trường yếm khí không có O2 nên gặp môi trường giàu oxy do Benzoyl Peroxide tạo nên sẽ nhanh chóng chết đi. Nhờ thế Benzoyl Peroxide giúp tiêu diệt vi khuẩn, làm khô cồi mụn và đẩy nhân mụn lên bề mặt da. Thuốc trị mụn Benzoyl Peroxide có hiệu quả điều trị tốt đối với các loại mụn đầu trắng và mụn đầu đen.
Tuy nhiên, loại thuốc này cũng có nhược điểm là có thể gây ra thâm nốt mụn do phản ứng oxy hóa. Ngoài ra, thuốc có một số tác dụng phụ thường gặp như gây kích ứng, làm da khô hoặc bong tróc. Việc sử dụng thuốc dài ngày có thể khiến da tăng tốc độ lão hóa (trong trường hợp dùng trên diện rộng). Benzoyl peroxide còn có đặc tính là mất màu vải nên cần chú ý không để thuốc dính vào quần áo.
Thuốc trị mụn loại này trên thị trường có một số cái tên như Benzac, Clearasil, PanOxyl…
Thuốc trị mụn Salicylic Acid
Salicylic Acid là một loại BHA có đặc tính tan trong dầu nên có thể nhanh chóng xâm nhập vào các nang lông và làm tan rã những điểm bít tắc lỗ chân lông cũng như loại bỏ dầu thừa vốn gây nên mụn đầu đen và mụn đầu trắng, nhờ thế ổn định làn da trong trạng thái sạch khoẻ.
Tuy nhiên, Salicylic acid không có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn nên trong trường hợp mụn viêm nặng do vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định dùng kèm với thuốc kháng sinh dạng bôi. Thuốc bôi chứa Salicylic Acid có thể sử dụng độc lập để trị mụn đối với những trường hợp mụn nhẹ. Chỉ sau vài ngày sử dụng, nốt mụn có xu hướng giảm sưng, cồi mụn khô và được đẩy lên bề mặt da.
Thuốc bôi điều trị mụn Salicylic acid thường có nồng độ Salicylic Acid trên 3% và là thuốc không cần kê toa do loại thuốc trị mụn này hầu như không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên vẫn có những hiện tượng như da bị khô và bong tróc nhẹ khi mới sử dụng.
Thuốc trị mụn Azelaic acid
Thuốc trị mụn chứa Azelaic Acid giúp da chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây mụn trứng cá, điều hòa việc tạo sừng, tẩy da chết trên da và làm giảm việc tăng sắc tố da.
Axit Azelaic là một axit dicarboxylic có trong một số loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch. Khi bôi lên da, Axit Azelaic có khả năng thẩm thấu sâu vào các lỗ chân lông, nhờ đó nhanh chóng tiêu diệt được vi khuẩn gây mụn, giảm sưng tấy, giảm viêm nhiễm và giúp cho nang lông được thông thoáng.
Ngoài ra, Axit Azelaic còn có tác dụng ức chế sự tăng sinh của tế bào melanin ở thượng bì nên cũng góp phần giúp giảm vết thâm sau mụn, nám da và tàn nhang. Axit Azelaic dạng bôi có thể sử dụng lâu dài giúp duy trì làn da khỏe mạnh trắng sáng, đều màu, không bị mụn, không bị thâm.
Thuốc trị mụn Sulfur
Thuốc trị mụn dạng bôi chứa Sulfur (lưu huỳnh) thường được dùng để điều trị mụn trứng cá có mức độ nhẹ và có thể sử dụng mà không cần kê toa. Hoạt chất Sulfur có tác dụng hấp thụ bã nhờn, đào thải tế bào da chết và làm sạch thoáng những điểm bít tắc lỗ chân lông. Cơ chế trị mụn của Sulfur cũng tương tự Axit Salicylic nhưng mức tác động nhẹ hơn và phù hợp với các loại da.
Để tăng hiệu quả điều trị, các sản phẩm trị mụn chứa Sulfur thường được bổ sung thêm Resorcinol (hợp chất hữu cơ có trong nhựa vỏ cây giúp kháng viêm nhiễm, mẫn ngứa, giảm sự hình thành mụn trên làn da), chiết xuất cam thảo và một số thành phần trị mụn khác. Thuốc bôi trị mụn chứa Sulfur hầu như không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, ở một số ít trường hợp, thuốc cũng có thể gây kích ứng nhẹ, khô ráp và bong tróc da.
Thuốc trị mụn kháng sinh
Thuốc trị mụn sử dùng thành phần kháng sinh thường ở dạng uống, tuy nhiên cũng có những sản phẩm ở dạng bôi thoa.
Thuốc trị mụn dạng bôi Tetracyclin có hiệu quả mạnh mẽ đối với các mụn có mủ gây ra bởi staphylococcus và streptococcus, mụn trứng cá ở dạng nặng, viêm nang lông, nhiễm eczema, loét dinh dưỡng.
Kháng sinh Erythromycin, metronidazol dùng dưới dạng thuốc bôi có thể điều trị các mụn thông thường và đặc biệt có hiệu quả đối với mụn trứng cá đỏ, mụn mủ. Erythromycin là kháng sinh có tính kiềm khuẩn và diệt khuẩn bằng cách ức chế tổng hợp protein, với hoạt phổ khá rộng bao gồm các vi khuẩn gram dương, gram âm và các vi khuẩn khác.
Metronidazol có tính kháng vi sinh vật, kháng vi rút và kháng khuẩn, trong đó có các vi khuẩn gây viêm da. Do đó thuốc Metronidazol dạng bôi vừa có tác dụng trị mụn vừa có tác dụng chống viêm nhiễm dưới da.
Thuốc trị mụn kháng sinh dạng bôi tuy không có phản ứng phụ mạnh như dạng uống cũng có thể có những tác dụng phụ không mong muốn như rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, da tăng nhạy cảm ánh sáng dễ bắt nắng hoặc bị kích ứng.
THUỐC UỐNG TRỊ MỤN
Thuốc trị mụn dạng uống đa phần là thuốc kháng sinh có khả năng tiêu diệt mụn. Kháng sinh sử dụng để làm thuốc trị mụn khá đa dạng: Doxycycline, Minocycline, Tetracyclin, Lymecycline (thuộc nhóm Tetracycline); Azithromycin, Erythromycin, TMP/TMS, trimethoprim (thuộc nhóm Macrolid); Clindamycin Phosphat (thuộc nhóm lincomycin)… Ngoài kháng sinh ra, còn có thuốc trị mụn dạng uống có thành phần từ một dẫn xuất của Retinoid là Isotretinoin.
Do các loại thuốc trị mụn dạng uống thường có hiệu quả mạnh trong việc tiêu diệt vi khuẩn nhưng lại không tốt cho sức khỏe và thường có những phản ứng phụ không mong muốn nên thường chỉ được sử dụng trong các trường hợp mụn viêm quá nặng, áp dụng thuốc bôi không có hiệu quả.
Do kháng sinh chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn chứ không tác động đến vấn đề bít tắc lỗ chân lông hay cơ chế tiết dầu của da nên khi sử dụng các loại thuốc trị mụn kháng sinh dạng uống nên kết hợp với kem bôi ngoài da không chứa kháng sinh để đạt hiệu quả nhanh nhất.
Thuốc trị mụn kháng sinh Doxycycline
Doxycycline là một loại kháng sinh thuộc nhóm tetracycline có tác dụng tốt trong việc điều trị mụn, bệnh trứng cá đỏ và một số bệnh viêm da nhiễm khuẩn khác.
Doxycycline có tác dụng bóp nghẹt sự sinh sôi phát triển của vi khuẩn gây mụn P.acnes nên thuốc trị mụn Doxycycline phù hợp cho những tình trạng mụn trứng cá sưng viêm có mủ (chẳng hạn như mụn mủ, mụn bọc hoặc mụn viêm tấy) và không có tác dụng với mụn không viêm như mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn ẩn hoặc mụn cám.
Thuốc trị mụn đường uống Doxycycline tỏ ra rất hiệu quả trong việc điều trị mụn lưng. Chúng thường được bác sĩ chỉ định sử dụng kết hợp với một số sản phẩm trị mụn dạng bôi khác như kem ngăn ngừa tắc lỗ chân lông, kem trị mụn chứa tretinoin hoặc benzoyl peroxide.
Thuốc trị mụn Doxycycline là thuốc kê toa dành những người bị mụn trứng cá mức độ vừa và nặng, hoặc mụn trứng cá nhẹ nhưng không đáp ứng với các thuốc trị mụn khác.
Khi sử dụng có thể có các tác dụng phụ như: đau dạ dày, tiêu chảy, nhiễm nấm âm đạo ở phụ nữ, da trở nên dễ bắt nắng. Thuốc này không được dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi và phụ nữ mang thai.
Thuốc trị mụn kháng sinh Minocycline
Minocycline là kháng sinh đắt nhất trong nhóm tetracycline và cho hiệu quả diệt vi khuẩn P. Acne tốt nhất nhưng cũng gây ra phản ứng phụ nghiêm trọng hơn các loại khác.
Minocycline vừa kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn gây mụn P.acnes vừa giảm viêm da nên phù hợp với các loại mụn trứng cá viêm sưng, đỏ. Tuy nhiên thuốc trị mụn này lại không có tác dụng mấy trên mụn đầu đen và mụn cám. Những loại mụn này cần đến kem giúp thông tắc lỗ chân lông.
Các phản ứng phụ không mong muốn của thuốc trị mụn Minocycline có thể có là buồn nôn và ói mửa, tiêu chảy, chóng mặt…
Thuốc trị mụn kháng sinh Tetracycline
Thuốc kháng sinh Tetracyclin với thành phần chính là Tetracycline hydrochloride có khả năng ức chế và kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn gây mụn P. acnes.
Tuy nhiên, thuốc trị mụn Tetracycline có thể có một số tác dụng phụ như: sưng đau ở vùng trực tràng và bộ phận sinh dục, có cảm giác khó nuốt hoặc có đốm trắng ở môi hoặc trong miệng, nhiễm nấm âm đạo ở phụ nữ, buồn nôn, nôn, bị tiêu chảy và khó chịu dạ dày.
Thuốc chỉ được sử dụng cho trẻ trên 12 tuổi. Trẻ dưới 8 tuổi sử dụng thuốc có thể bị biến đổi màu răng vĩnh viễn (màu xám, nâu hoặc vàng). Ngoài ra, Tetracycline còn có thể gây quái thai, tác hại đến xương và răng của thai nhi. Chính vì vậy, thuốc không được sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
Thuốc trị mụn kháng sinh Azithromycin
Thuốc kháng sinh Azithromycin thuộc nhóm macrolid, được gọi là azalid, có khả năng diệt khuẩn mạnh. Cơ chế diệt vi khuẩn Azithromycin là tác động trực tiếp lên ribosome (cơ quan chính của quá trình sinh tổng hợp protein) của vi khuẩn, khiến chúng không thể sinh sôi và phát triển. Do đó, Azithromycin rất hiệu quả trong việc tiêu diệt vi khuẩn gây mụn P.Acnes và điều trị mụn trứng cá.
Tuy nhiên cần lưu ý là Azithromycin cũng có rủi ro bị vi khuẩn kháng thuốc. Đặc biệt là trường hợp kháng chéo với erythromycin trong bối cảnh vi khuẩn kháng kháng sinh nhóm macrolid khá phổ biến ở Việt Nam.
Thuốc trị mụn Azithromycin cũng có một số tác dụng phụ như một số kháng sinh khác như: buồn nôn, đau bụng, co cứng cơ bụng, nôn, đầy hơi, ỉa chảy hoặc phát ban, đau đầu và chóng mặt. Thuốc được sử dụng cho những trường hợp chống chỉ định dùng kháng sinh Tetracycline như trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Thuốc trị mụn kháng sinh Erythromycin
Erythromycin là một trong những loại kháng sinh thuộc nhóm macrolide. Thuốc trị mụn Erythromycin dạng uống giúp chữa trị mụn trứng cá nhờ tác dụng làm diệt vi khuẩn gây mụn P. acnes ở trên da, đồng thời giúp làm giảm viêm da, giảm đỏ da.
Ưu điểm của thuốc trị mụn Erythromycin có thể sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú. Nó cũng có thể dùng cho trẻ nhỏ, vì không như một số loại thuốc kháng sinh khác, thuốc trị mụn Erythromycin không làm hỏng men răng của trẻ.
Tuy nhiên, cũng như Azithromycin, ở Việt Nam đã có hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh nhóm macrolid do tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh. Đó là lí do một số người sử dụng Erythromycin điều trị mụn nhưng không thấy thuyên giảm.
Thuốc trị mụn Erythromycin cũng có thể có một số tác dụng phụ không mong muốn như: đau dạ dày, buồn nôn và nôn mửa, tiêu chảy, nấm âm đạo hoặc nấm miệng. Thuốc chống chỉ định thuốc cho người bị rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp, tiền sử bị điếc hoặc mắc các bệnh về gan.
Thuốc trị mụn Isotretinoin
Ngoài kháng sinh ra, thuốc trị mụn đường uống còn có Isotretinoin. Đây là một loại dẫn xuất đường uống của Retinoid thế hệ đầu, được sử dụng trong điều trị mụn và một số vấn đề về da như bệnh vảy nến. Thuốc giúp ức chế việc tiết bã nhờn của tuyến bã, nhờ đó hạn chế được sự bít tắc lỗ chân lông, loại bỏ môi trường yếm khí ưa thích của vi khuẩn gây mụn P. acnes, khiến chúng không thể phát triển được. Ngoài ra, hoạt chất Isotretinoin còn có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm và khô cồi mụn nhanh chóng.
Tuy nhiên, thuốc trị mụn Isotretinoin có thể có một loạt tác dụng phụ như khô môi (chiếm 99%), khô da, khô mắt, bong tróc vảy, nổi mụn ồ ạt, táo bón, đau cơ xương khớp, chảy máu cam nhẹ, chảy máu mô nướu, mất ngủ, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, đau bụng, rối loạn kinh nguyệt, tăng men gan và rối loạn mỡ máu. Vì vậy cũng như khi sử dụng kháng sinh, thuốc tuyệt đối cần sử dụng đúng theo chỉ định của bác sỹ.
Một số lưu ý khi dùng thuốc trị mụn
Trong quá trình sử dụng thuốc trị mụn bằng thuốc bôi hoặc thuốc uống cần lưu ý sử dụng đúng liều lượng và thời lượng theo hướng dẫn sử dụng của thuốc hoặc chỉ định của bác sỹ, tuyệt đối không sử dụng thuốc tùy tiện không đúng cách. Một số người nôn nóng vội vàng muốn rút ngắn thời gian điều trị mà sử dụng thuốc quá liều có thể gây nên những phản ứng phụ không tốt với cơ thể nói chung và làn da nói riêng. Việc sử dụng thuốc quá nhiều lần trong ngày có thể khiến da bạn trở nên yếu và nhạy cảm hơn, khiến mụn không khỏi, da càng dễ bị tổn thương.
Tuyệt đối tránh dùng thuốc theo kinh nghiệm của người khác, vì mỗi người sẽ có đặc điểm mụn, tình trạng mụn và cơ địa da khác nhau nên loại thuốc và liều lượng sử dụng là khác nhau. Một thuốc trị mụn được khen là tốt chưa chắc sẽ đem lại hiệu quả điều trị tốt cho làn da của bạn. Bên cạnh đó, tự ý uống thuốc kháng sinh chữa mụn vừa có thể khiến việc điều trị mụn không hiệu quả, gây tình trạng kháng thuốc, vừa có thể gây một số nguy hại cho sức khỏe.
THUỐC TRÁNH THAI TRỊ MỤN
Nếu như mụn của bạn là do rối loạn nội tiết tố thì khi áp dụng những cách trị mụn thông thường sẽ chỉ giúp mụn thuyên giảm tạm thời, và sau đó lại nhanh chóng bùng phát trở lại. Chỉ khi bạn điều hòa và cân bằng được nội tiết tố trong cơ thể thì mới có thể xử lý triệt để tình trạng mụn. Và đó là công việc của các loại thuốc tránh thai và thuốc chống androgen.
Thuốc tránh thai kết hợp
Thuốc tránh thai kết hợp là loại thuốc uống dạng viên, trong đó có chứa nestrogen (một loại nội tiết tố đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì vẻ đẹp của người phụ nữ) và progestin (một loại nội tiết tố kiểm soát vấn đề kinh nguyệt và sinh sản của người phụ nữ). Việc bổ sung 2 loại hormone này vào cơ thể sẽ ức chế quá trình rụng trứng khiến trứng và tinh trùng không thể gặp nhau, nhờ đó mà không thể thụ thai.
Thuốc cũng giúp hỗ trợ giảm nguy cơ u nang buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng và điều hòa kinh nguyệt ở phụ nữ. Ngoài tác dụng chính như vậy, thuốc còn có tác dụng phụ hết sức hữu ích là điều trị mụn trứng cá.
Tuy nhiên, chỉ chỉ được sử dụng thuốc tránh thai để trị mụn khi biết chắc nguyên nhân gây mụn là do mất cân bằng nội tiết. Dấu hiện nhận biết thường là tình trạng mụn không có đáp ứng với những phương pháp điều trị thông thường. Cơ thể có triệu chứng cường androgen, mụn có dấu hiệu liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết như bùng phát trước kỳ kinh hoặc xuất hiện với chứng rong kinh.
Thuốc tránh thai kết hợp phố biến hiện có Drospirenone, Norethindrone, Norgestimate, Ethinyl estradiol. Cần lưu ý là thuốc phải được sử dụng theo sự chỉ định của bác sĩ. Nữ giới dưới 14 tuổi hoặc mới bắt đầu có kinh trong vòng 2 năm đầu được khuyến cáo tránh sử dụng loại thuốc này.
Thuốc chống androgen
Thuốc chống androgen (antiandrogen) là hoạt chất ức chế hoặc đối kháng với nội tiết tố androgen. Thuốc có thể được sử dụng để hạn chế tình trạng nổi mụn trứng cá do cơ thể dư thừa quá mức androgen, còn gọi là cường androgen.
Androgen là nội tiết tố có chủ yếu ở nam giới nhưng cũng có một lượng nhỏ ở nữ giới giúp cho sự tổng hợp nội tiết tố estrogen – loại nội tiết tố đóng vai trò tạo nên sự khác biệt của nữ giới.
Androgen thường được cơ thể tổng hợp nhiều ở giai đoạn dậy thì nhằm giúp cơ thể phát triển hoàn thiện thành người lớn. Tuy nhiên, chúng lại có tác dụng phụ là kích thích da tiết bã nhờn khiến da luôn ở tình trạng nhờn bí, và kết cục là nổi mụn.
Các loại thuốc chống androgen như Spironolactone, Cyproterone,…có tác dụng điều hòa và làm cân bằng nội tiết trong cơ thể. Nhờ vậy không chỉ giúp làm thuyên giảm tình trạng mụn mà còn cải thiện được những vấn đề rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ như rong kinh, mất kinh, hoặc kinh nguyệt không đều, thất thường…
Trên thực tế, các loại thuốc điều trị mụn dạng uống thường nên được sử dụng phối kết hợp tùy vào đặc điểm và mức độ mụn. Đối với tình trạng mụn phát triển đến mức gây viêm (vi khuẩn P. Acne xâm nhập), có thể cần phải kết hợp thêm các loại thuốc trị mụn dạng bôi khác có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn thì mới nhanh chóng đạt hiệu quả. Việc sự dụng các loại thuốc đơn lẻ thường khiến hiệu quả điều trị không cao, chưa kể đến nguy cơ bị vi khuẩn kháng thuốc, nếu dùng triền miên.
XEM THÊM VỀ CHỦ ĐỀ TRỊ MỤN
- Top 10 sữa rửa mặt trị mụn tốt nhất
- Top 10 kem chống nắng cho da mụn
- Tổng hợp các nguyên nhân gây mụn mới nhất 2021
- Tẩy tế bào chết cho da mụn
- Nguyên nhân và cách trị mụn nang
- Nặn mụn hay lấy nhân mụn – Một thói quen có nên bỏ?
- Mụn ở má, nguyên nhân và cách trị mụn mọc ở má
- Mụn mủ – Không nên chủ quan
- Mọc mụn ở trán! Yên tâm bởi cách trị mụn trên trán hiệu quả
- Mặt mụn và cách chăm sóc da mụn như thế nào cho đúng
- Lăn kim Trị mụn – 1 phương pháp có thực sự hiệu quả?
- Da dầu là gì? Cách chăm sóc da dầu tránh mụn
- Công nghệ tế bào gốc trong mỹ phẩm
- Cách trị mụn lưng triệt để, vĩnh viễn mới nhất 2021
- Cách trị mụn đầu đen hiệu quả mới nhất 2021
- Cách trị mụn bọc chuẩn 2021
- Cách trị mụn ẩn mới nhất 2021
- Bật mí cách trị mụn cám hết sạch sau 1 tuần
- AHA có tác dụng gì? AHA loại nào tốt?
- 9 cách trị mụn bằng chanh tại nhà hiệu quả
- 5 dấu hiệu của mụn nội tiết tố và cách điều trị
- 4 bước chăm sóc da mụn tại nhà đúng cách
- 18 cách trị thâm mụn hiệu quả từ thiên nhiên
- 15 cách trị mụn tại nhà hiệu quả có thể bạn chưa biết
- 10 cách trị mụn sưng viêm tại nhà hiệu quả
- [Góc review] Kem trị mụn – Cơ chế, cách dùng và lưu ý 2021